Chat Facebook Chat Zalo
0933150888

Ca trù trong mắt văn nhân

Ca trù trong mắt văn nhân – Vũ Hà (báo ANTĐ)

Ngay từ khi ra đời, ca trù đã được các bậc Quân vương thông tuệ, những nhà Khoa bảng tài danh giỏi âm luật kê cứu, bổ sung, nâng cao thành giá trị mới, mang tính tư tưởng, thẩm mỹ đạt tầm triết học của Nhã nhạc cung đình.

Chẳng thế mà sau này, nhiều nhà thơ đã mê mải thưởng thức ca trù, có những bài thơ nổi tiếng cho các đào nương, như Nguyễn Công Trứ với “Ngày tháng thanh nhàn”, “Kiếp nhân sinh”, “Chơi xuân kẻo hết xuân đi”, “Trần ai ai dễ biết ai”… Cao Bá Quát với “Hơn nhau một chữ thì”, “Phận hồng nhan có mong manh”, “Nhân sinh thấm thoắt”… Nguyễn Khuyến với “Hỏi phỗng đá”, “Duyên nợ”… Dương Khuê với “Gặp đào Hồng đào Tuyết”, “Hương Sơn phong cảnh” nổi tiếng… Nguyễn Thượng Hiền với “Chơi chùa Thày”; Trần Tế Xương với “Hát cô đầu”… Nguyễn Khắc Hiếu với “Xuân tình”, “Chưa say”… Ưng Bình với “Phủ Doãn về hưu”, Hoàng Cảnh Tuân với “Chơi hồ Hoàn Kiếm”…

ca trù trong mắt văn nhân
NNƯT Vân Mai và kép đàn Trần Koóng biểu diễn Ca trù trong ngày hội di sản tại Hoàng thành Thăng Long.

Tùy theo nội dung và thể thơ của các thi phẩm mà đào nương thể hiện những lối ca trù. Hát chơi với những điệu như: Mưỡu, Hát nói, Tỳ bà, Ngâm vọng, Sẩm cô đầu… Hoặc hát Cửa đình với các làn: Dâng hương, Thét nhạc, Giáo trống, Giáo hương… và những điệu Hát thi vân vân. Nhạc khí chỉ có ba loại: phách, đàn và trống.

Vào những năm đầu thế kỷ trước, Hà Nội thời Pháp thuộc, ở Hà thành đã có nhiều phố gọi là phố cô đầu. Theo nhà văn Tô Hoài trong “Chuyện cũ Hà Nội” thì phố Hàng Giấy là phố ả đào cổ nhất của Hà Nội. Có câu ca dao “Trải qua Hàng Giấy dần dần/ Cung đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa” làm thực chứng. Nhà văn Nguyễn Tuân đã kể thời ông khoảng mười tuổi, được theo thân sinh là cụ tú Hải Văn đến nhà hát ả đào phố Hàng Giấy. Các làng có nghề hát cửa đình như Thanh Thần, Lỗ Khê, Kim Bảng, Phú Mỹ. Có làng chi họ chỉ truyền nghề cho con cái trong họ. Khi nông nhàn, đến dịp đình đám, mà người ta đã giữ đám hàng năm, đào kép lại khăn gói rủ nhau, hoặc có làng về tận nơi mời đi hát thờ.

Nhà hát sang nhất ở phố Khâm Thiên. Nổi tiếng nhà Đàm Mộng Hoàn, nhà Chu Thị Năm. Đến đấy, người giàu, tay buôn, tay chơi, mật thám, trùm bạc, đầu trộm đuôi cướp, tiêu tiền như ném qua cửa sổ. Cô đầu Ngã Tư Sở chỉ có nhà hát ở dãy nhà bên đường Tàu Bay (đường Trường Chinh bây giờ) và đường Láng. Cô đầu Vĩnh Hồ, Thái Hà, Vạn Thái có hăm bốn gian cuối phố Huế. Bên Cầu Giấy, ô Kim Mã, ở Phủ Hoài,  Ba La Bông Đỏ, Gia Quất, Thượng Cát, nhà hát đón vét khách bên Hà Nội và khách quê. Ngay ở Bến Chèm cũng có. Cô đầu Chèm, ngày đi làm cỏ đồng, bắt cua, tối hát. Tiếng trống chầu trong nhà hát vọng xuống mặt nước nghe như dao chặt thịt gà.

Cũng theo Tô Hoài, hát ả đào là một cô đào với bộ phách. Phiến gỗ lim chữ nhật làm nền đã lên nước bóng như gụ, hai thanh tre cô đào cầm gõ. Tiếng phách đổ như mưa sa. Một đàn đáy, anh kép gảy nhịp cho câu hát, tiếng đáy tưng tửng mơ màng ngất ngư nửa say, nửa tỉnh. Cái trống chầu với roi chầu của khách sành điệu. Nghe hát, tiếng trống thay lời, thưởng thức chỗ hay, nhắc nhở chỗ kém, tiếng trống chầu hòa vui, lẳng lơ tình tự, tâm sự.

Thú vui ả đào tao nhã. Bao giờ cũng thế, cô đào và chú kép đàn vẫn là chủ trò đêm hát. Bài hát và khổ đầu được khách và chủ nhà trả tiền, thưởng tiền như những người đi làm ăn công việc tử tế, và làm giỏi thì được khen. Cô đào hát cầm lá phách và chú kép đàn hát cho nhiều nhà trong một đêm (như cảnh ca sĩ chạy sô bây giờ). Hát xong rồi người đào hát về nhà, chồng con yên ấm. Sau này hát cô đầu “biến chất” không còn giữ được vẻ thanh tao như trước, làm ảnh hưởng xấu tới Ca trù và cái thú thưởng thức bộ môn nghệ thuật tinh tế này.

Nói về thưởng thức vẻ đẹp Ca trù là phải nói tới những tao nhân mặc khách, nhất là các văn nghệ sĩ. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng của Hà thành trước kia đã tới các nhà hát Ca trù. Trong cuốn “Bốn mươi năm nói láo” của nhà văn, nhà báo Vũ Bằng có kể một chuyện vui vui.

Đấy là chuyện nói về nhà văn Nguyễn Tuân trong một chầu đi hát. Một đêm kia, chúng tôi (như Thanh Châu, Thâm Tâm, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Triệu Luật, Vũ Bằng…) bắt được Tuân ở giữa đường, rủ nhau đi… đập trống. Nguyễn Tuân và tôi (tức Vũ Bằng), mỗi người ngồi xếp bằng tròn, dưới đất, ở một góc nhà cô đầu, tu mỗi người một chai Văn Điển (mà cấm không cho đưa cay một thứ gì, dù là củ lạc). Đã đành tu như thế xong thì Lý Bạch, Lưu Linh cũng “gẫy”.

Thế mà Nguyễn Tuân sau đó lại đi lờ khờ hết nhà này sang nhà khác uống nữa. Và đến khoảng ba giờ sáng thì cả phố Khâm Thiên nhao lên như có loạn. Thì ra, ở trên nóc nhà, trên một cái gờ bằng gạch nối liền một dãy với nhau, Tuân đi lại như một anh hát xiếc, giơ hai tay ra lấy thăng bằng, nhún nhảy trên một chân, thỉnh thoảng lại quay ngoắt người trở lại. Bao nhiêu hồn vía của cô đầu và quan viên đều lên mây.

Sau đó Tuân xuống được, chẳng cần ai phải dìu đỡ. Thế mới kỳ lạ! Đó là thời các ông đang cộng tác viết cho các báo của Hà Nội, như Công Dân, Tương Lai, Rạng Đông và Tiểu thuyết Thứ Bẩy của ông Vũ Đình Long. Đấy là một chuyện về nhà văn Nguyễn Tuân trong một đêm đi hát cô đầu. Kể ra còn lắm giai thoại về các nhà thơ, nhà văn trong  lĩnh vực cao sang và tuyệt thú này lắm.

[NSƯT Vũ Hà – ANTĐ]

 

Xem thêm

Hát nói – Thể cách chính của Ca trù
Follow on Facebook