Chat Facebook Chat Zalo
0933150888

Những danh từ chuyên môn trong Ca trù

Những danh từ chuyên môn trong Ca trù – Việt Nam Ca trù biên khảo

ca trù bích câu
Nhà hát Ca trù Bích Câu
  1. Ca trù

Ở cửa đền ngày xưa có lệ hát thẻ, thẻ gọi là trù, làm bằng mảnh tre ghi chữ đánh dấu, dùng để thưởng ả đào thay cho tiền mặt.

Khi hát quan viên thj lễ chia ngồi hai bên, một bên đánh chiêng và một bên đánh trống. Chỗ nào ả đào hát hay, bên trống thưởng một tiếng chát ,bên chiêng đánh một tiếng chiêng rồi thưởng luôn cho một cái trù. Đến sáng đào kép cứ theo trù thưởng mà tính tiền, ví dụ được 50 trù, mà trị giá mỗi trù ấn địnhlà 2 tiền kẽm, thì làng phải trả 10 quan tiền. Vì thế hát ả đào gọi là hát ca trù nghĩa là hát thẻ…

 

  1. Ả đào

thể cách Thét nhạc

Sách Việt sử tiêu án của Ngô thời sĩ: Đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028) có người ca nhi là Đào Thị tài nghệ giỏi và hát hay, từng được nhà vua ban thưởng. Sau người ta mộ danh tiếng Đào Thị nên con hát đều gọi là Đào nương.

Sách Công dư tiệp ký: Cuối đời nhà Hồ (1400-1407) có người ca nhi họ Đào, quê ở làng Đào Đặng, huyện Tiên Nữ, tỉnh Hưng Yên, lập mưu giết được nhiều binh sĩ nhà Minh, cứu cho khắp vùng yên ổn. Khi nàng chết dân làng nhớ ơn lập đền thờ, gọi thôn nàng ở là thôn Ả Đào. Về sau những người làm nghề ca hát như nàng đều gọi là Ả đào.

 

  1. Hát nhà tơ

Ngày xưa dân chúng ít khi tìm ả đào về nhà chơi, chỉ các quan khi yến tiệc trong dinh hay trong ty (tơ) mới tìm ả đào (Dinh Tuần phủ gọi là Phiên ty, dinh Án sát gọi là Niết ty). Vì thế hát ả đào còn được gọi là hát nhà tơ, nghĩa là hát ở trong ty quan

 

  1. Hát nhà trò

Khi ả đào hát ở cửa đền có bỏ bộ, miệng hát tay múa uốn éo lên xuống, làm bộ điệu người điên, ngưới say rượu, người đi săn,… Vì vừa hát vừa làm trò nên gọi là Hát nhà trò

 

  1. Cô đầu

Chữ Ả nghĩa là cô, thường nói là cô ả. Người Tàu gọi những con gái đi làm thuê là ả sẩm. Vậy ả đào tức là cô đào.

Sách Ca trù bị khảo: những ả đào danh ca dạy con em thành nghề, mỗi khi đi hát đình đám bọn con em phải trích ra một món tiền để cung dưỡng thầy gọi là tiền Đầu.

Sau người ta dùng tiếng cô thay cho tiếng ả cho rõ ràng và tiếng đầu thay tiếng đào để tỏ ý tán tụng là bậc danh ca lão luyện, đã dạy nhiều con em thành tài và được tặng nhiều món tiền đầu nên gọi là Cô đầu.

 

  1. Giáo phường

Ngày xưa Ả đào và Kép ở chung phường, chung xóm để luyện tập, múa hát cho tiện, chỗ ả đào ở gọi là Giáo phường, nghĩa là phường xóm dạy những người đi hát.

Sách Đường thư: Đời nhà Đường (618-906) đặt chức quan Tả, Hữu Giáo phường chuyên trông coi việc ca xướng, lại đặt chức Trung quan để cai trị các Giáo phường.

Sách Khâm định Việt sử: Năm Hồng Đức thứ 2 (1471), vua Lê Thánh Tông đặt quan Ty chính để trông coi các Giáo phường. Năm Vĩnh tộ nguyên niên (1620), vua Lê Thần Tông định lại thể lệ, những người trai tráng khỏe mạnh mà không đi tòng quân, mỗi năm phải đóng thuế 3 quan tiền. Tăng đạo và Giáo phường, mỗi người phải đóng thuế 1 quan tiền.

Sách Lịch triều hiến chương: Đời nhà Lê, ngày sinh nhật vua, Giáo phường tấu khúc nhạc Văn quang ở trên điện Vạn thọ. Khi hoàng tử lên ngôi, Giáo phường tấu khúc nhạc Thanh triều ở trước sân rồng.

 

  1. Kép hay người gẩy đàn

Van Mai 4

Theo sách Khâm định Việt sử: Năm Thuận thiên thứ 16 (1025) vua Lý Thái Tổ đặt chức Quản giáp cho bọn ca nhi. Sau những người gẩy đàn giỏi và có tín nhiệm được cử ra trông coi trật tự ở giáo phường, gọi là quản giáp. Quản giáp phiên âm chệch ra thành tiếng Kép.

Sách Vũ trung tùy bút, thiên Nhạc biện gọi Quản giáp là Kép, Đào nương là Cô đầu. Sổ sách ở Giáo phường ngày xưa cử đào kép đi hát các đình đám đều viết Giáp là Kép, Đào là Cô đầu.

 

  1. Đàn đáy

Khi hát ở cửa đền, người kép lấy lụa đeo đàn vào người để đứng mà gẩy cho đỡ mởi nên gọi là đàn Đáy. Tiếng đáy do chữ Đới nghĩa là đeo, phiên âm chệch ra. (Sách Ca trù bị khảo)

Sách Vũ trung tùy bút: Mỗi khi người quản giáp đến nhạc đường, lấy cái khăn nhiễu điều quàng vào lưng để đeo đàn đáy đứng gảy, cùng ả đào xướng họa theo với điệu hát lên xuống mà đàn ứng theo.

Truyện Đất tổ lại viết: Đời nhà Lê, Đinh Lễ chế ra một cái đàn không có đáy để gẩy theo điệu hát ả đào, khúc đàn cuồn cuộn như nước chảy ra biển sâu không thấy đáy. Sau người ta bỏ chữ không, chỉ còn chữ đáy nên gọi là đàn đáy. Ở Trung Việt, từ Thanh Hóa trở vào đều gọi đàn đáy là Vô đề cầm nghĩa là đàn không đáy.

 

  1. Cầm chầu

quan viên trống chầu

Sách ca trù bị khảo theo Lê triều hội điển: Khi triều đình đại lễ có đặt một viên Tửu lệnh và một viên Cổ lệnh. Viên Tửu lệnh phải am hiểu lễ nghi, tay cầm gươm để trông coi nhân viên hành lễ. Viên Cổ lệnh phải tinh thông âm nhạc, tay cầm dùi trống để điều khiển nhã nhạc.

Đến khi chúa Trịnh cầm quyền, trong phủ lúc yến ẩm có ban Nữ nhạc giúp vui. Chúa cử một viên quan tinh thông âm nhạc làm chức Cổ lệnh. Viên Cổ lệnh tay cầm dùi trống đứng ở sân chầu, đánh trống ra hiệu lệnh cho bọn nữ nhạc múa hát, hay dở được quyền thưởng phạt. Vì viên Cổ lệnh cầm dùi trống đứng ở sân chầu đánh trống, nên người ta gọi người đánh trống là Cầm chầu hay Đánh chầu.

 

  1. Quan viên

  • Sách Ca trù bị khảo: Lệ xưa, con các quan từ Án sát trở lên, dẫu không đỗ đạt cũng được triều đình tặng cho Ấm tử. Chức Ấm tử được miễn sưu dịch. Con các quan Phủ, Huyện gọi là Quan viên tử, được miễn tạp dịch trong làng. Người ta gọi người đi nghe hát là quan viên có ám chỉ đó là hạng phong lưu, công tử.
  • Lại có thuyết nói Quan viên là những bậc phong lưu đi du quan thưởng thức.

 

Xem thêm

Cô đầu rượu
Follow on Facebook