Chat Facebook Chat Zalo
0933150888

Những giai thoại phong lưu của Nguyễn Công Trứ – phần 2

Nguyễn Công Trứ – ông vua hát nói – Những giai thoại phong lưu – phần 2

Nguyễn Công Trứ - ông vua hát nói

 

Năm Minh Mạng thứ 15 (1834) ông làm Tổng đốc Hải dương. Nùng văn Vân đánh chiếm tỉnh Cao bằng, Bố chánh Cao bằng là Bùi văn Huy và Lãnh binh Phạm văn Lợi đều tử tiết. Triều đình cử ông làm Đại tướng kiêm Tham tán đại thần. Nguyễn tiến Lâm là Tán tương quân vụ đi dẹp giặc.

Khi xuất quân ông đưa cả đào kép và các đồ nhạc khí đi theo. Đại binh gần đến Cao bằng, ông truyền lệnh hạ trại ở bên bờ sông Kỳ cùng. Bàn mưu với Nguyễn tiến Lâm, rồi ra lệnh cho các tướng ngày nào cũng phải đưa quân lính ra ngoài bãi luyện tập các phép chiến trận.

Một mặt cho quân do thám giả làm lái buôn hoặc hành khách sang sông dò la tình hình, mặt khác cho làm một cái lầu cao ở trung quân, cùng Nguyễn tiến Lâm lên đó uống rượu, nghe hát ả đào. Nhiều đêm cao hứng, hai ông uống rượu nghe hát đến gần sáng. Trên lầu đèn nến như sao sa, ở ngoài đều trông rõ.

Xem thêm:
Những giai thoại phong lưu của Nguyễn Công Trứ – phần 1

Những giai thoại phong lưu của Nguyễn Công Trứ – phần 3

Các quan Đề đốc Lãnh binh vào hỏi lệnh xuất quân, ông nói:

“Nay đương rét mướt, Tết sắp đến nơi, vả lại quân lính nhiều người bất phục thủy thổ bị bệnh ngã nước, xuất quân e bất lợi, Hãy đợi thong thả sẽ bàn”.

Lính gác trại ông chọn những người mặt mũi xanh xao, mặc lồng hai áo bông mà vẫn rét run cầm cập, thỉnh-thoảng lại nổi họ sù sụ, văng cả giáo mác xuống đất. Sáng nào cũng có chừng 30 người lính ra quét cổng trại, người nào cũng già nua ốm yếu, rên khù khừ, không cầm vững cái chổi.

Nùng văn Vân tuy chiếm được tỉnh Cao bằng, nhưng vẫn giữ sào huyệt ở rừng Vân trung, phòng khi thua thì rút vào rừng rồi chạy sang Tầu cho dễ. Bên kia sông Kỳ cùng, Vân đặt hai đồn, có trọng binh đóng giữ, do hai tướng tâm phúc là Nùng văn Yên, Nùng văn Hải trông coi, để chống nhau với quan quân. Lái buôn và hành khách qua lại phải có giấy thông hành của Văn Yên Văn Hải cấp.

Vân đã bị Nguyễn công Trứ đánh bại một lần nên có ý sợ hãi, hết sức đề phòng. Quân do thám của Vân báo cáo tình hình trễ nải của quân triều đình. Thoạt tiên Vân không tin, sau tiếp luôn mấy tin đều nói như thế. Tối đến, Vân thân hành ra đồn bờ sông Kỳ cùng, trèo lên cây cao nhìn sang trại quân ta, quả nhiên thấy trong trại đương hát ả đào trống phách om sòm, đèn nến sáng rực.

Vân tự nghĩ Nguyễn công Trứ chỉ là đồ phong lưu công tử, hèn nhát không dám sang sông, chẳng đáng sợ. Từ đấy y phóng tâm, ngày nào cũng cùng bộ hạ yến ấm, rồi cho người sang bên Tầu mua gái đẹp về chia nhau. Tuớng sĩ của Vân thi nhau hành hạ dân chúng, vơ vét của cải, nhiều người phải bỏ quê hương, chạy sang Lạng sơn lánh nạn.

Tuần phủ Lạng sơn Trần văn Tuân thấy nguy cấp, nhiều phen đến yết kiến ông, có ý thôi thúc sang sông đánh giặc nhưng ông đều khất lần. Bất đắc dĩ Văn Tuân phải mật sớ và kinh, đại ý nói:

“Giặc Nùng văn Vân ngày một xương cuồng, lòng dân nơm nớp. Triều đình cử Hải an Tổng đốc Nguyễn công Trứ làm Đại tướng cầm quân tiễu phỉ, đã gần hai tháng mà chưa hề sang sông giao chiến với giặc. Thần mấy phen đến bàn việc xuất quân, y đều khất lần, chỉ thấy ngày đêm say sưa với bọn ả-đào”….

Vua Minh Mạng xem xong phê vào sớ:

Nguyễn công Trứ tự thử sở hành, tất hữu biệt toán, quân lữ chi gian, bất khả dĩ phù ngôn dao động tướng tâm, thính y cử trí. Khân thử. (Nguyễn Công Trứ làm như thế tất có mưu khác, trong quân lữ chớ nên nói phiếm để lay động long Đại tướng, cứ mặc y xử trí)

Trần văn Tuân tiếp được một chỉ sợ hãi không dám nói gì nữa.

Trong số do thám của ông có mấy người Tàu giả làm lại buôn, từng bỏ tiền bạc mua chuộc bọn tướng sĩ giặc trấn đóng bờ sông Kỳ cùng nên được giặc tin cẩn. Nhiều khi họ đưa hàng hóa từ bên Tàu về qua đồn, gặp trời tối được quân lính

cho vào ngủ nhờ. Một hôm vào khoảng trung tuần tháng giêng, bọn lái buôn ước độ 10 người tải hàng về, gặp trời mưa dầm xin vào đồn ngủ trọ. Họ đưa ra 20 nén bạc gọi là bái niên các tướng, lại kèm thêm những sâm nhung quý giá và thuốc phiện để biếu anh em. Quân giặc giữ ở lại, nhân năm mới bày ra cờ bạc thưởng xuân. Bọn lái buôn đều là tay máu mê cờ bạc, tối nào cũng thua cay, quân giặc lấy làm hả hê. Đêm đêm đánh bạc xong lại uống rượu, ăn cháo rồi mới đi ngủ.

Bên này Sông gặp kỳ nguyên đán, Nguyễn công Trứ cho quân lính ăn chơi hát xướng thoả thích, ông lại tự làm bài hát cho quân sĩ và ả đào hát. Đột nhiên ngày 18 tháng giêng ông gọi viên quan coi lương vào hỏi lương thực trong quân còn được bao nhiêu ngày. Quan coi lương thưa chỉ còn 10 ngày, Ông dặn bao giờ còn 3 ngày phải trình ông biết. Đoạn lại cùng quan Tán tương lên lầu nghe hát. Chiều hôm ấy Ông cho người thân tín đưa thư dục đạo quân của Phạm văn Điền ở Tuyên quang lên ngay tiếp viện.

Cách mấy hôm, quan coi lương vào trình lương thực chỉ còn có 3 ngày. Ông hạ lệnh phát tức khắc cho quân lính 2 ngày lương, rồi truyền các cơ đội chuẩn bị khí giới và cơm nắm để đầu trống canh ba xuất quân.

Giờ tí, các tướng lãnh tề tựu. Ông ung dung nói:

“Chắc các ngươi đều biết trong quân hết lương rồi. Nay tình thế bắt chúng ta phải sang sông đánh giặc, không thể ngồi đây chờ chết đói. Vậy các ngươi nên hết lòng hết sức đền ơn nước”.

Tướng sĩ đều xin vâng lệnh. Ông truyền người ngậm tăm, ngựa tháo nhạc, lặng lẽ tiến phát. Ra đến bờ sông Kỳ cùng đã thấy có mấy trăm chiếc bè. Người ngựa lên bè qua sông. Sang tới bờ bên kia ông cho đốt pháo làm hiệu, quân do thám ở trong hai đồn giặc nghe hiệu pháo, ra mở cửa đồn cho quan quân tiến vào, không mất mũi tên mà một lúc hạ được hai đồn giặc.

Nguyên bọn do thám đã nhận được mệnh lệnh từ trước. Đêm ấy đánh bạc xong, họ lén bỏ thuốc mê vào rượu cho giặc uống, chúng mê man như chết, không biết gì nữa. Họ thừa cơ lấy dây trói cả lại, không để thoát một tên nào. Hai tướng Nùng văn Yên, Nùng văn Hải, đều bị bắt sống. Sáng sớm đạo quân của Phạm văn Điển ở Tuyên quang cũng đến nơi. Ông chia làm hai cánh, tiến đánh thành Cao bằng.

Nùng văn Vân ở trong thành vẫn không hay biết gì, kịp nghe tiếng loa đồng bốn mặt thét vang vội vàng chạy ra, đã thấy quân triều đình như kiến vây kín bốn mặt thành. Vân biết thế nguy, không thể chống được, mới phá lối cửa bắc chạy về Vân trung, thu thập vàng bạc trốn sang Tầu. Quan quân vào thành bắt được Thống chế giặc là Nùng diên Hữu. Quân giặc xin hàng hơn 300 tên.

Ông biết thế nào Vân cũng trốn sang Tầu, nên đưa thư sang kể hết tình đầu với quan Tuần phủ Quảng tây và Tri phủ Trấn an từ trước. Vân cùng bộ hạ vừa chạy đến biên giới thì bị quân nhà Thanh đón đánh phải quay trở lại, tản ra chạy trốn vào rừng Vân trung.

Ông được tin kéo quan đến vây, bắt được Đại tướng của Vân là Nùng văn Lô và 12 tên tùy tòng. Tra hỏi bọn Lô, biết Vân ẩn trong rừng sâu ông liền cho phóng hỏa đốt rừng. Nùng văn Vân chết cháy trong rừng, bên mình còn một khối vàng bị lửa đốt chảy ra và một thanh bảo kiếm.

Quan quân chém đầu Vân bỏ vào hòm, chạy cờ đỏ về kinh đô báo tiệp, cờ viết 7 chữ:

Trảm đắc thủ Phạm Nùng Văn Vân.

Còn xác Vân căng phơi ở trên núi Vân trung.

Khi khải hoàn về kinh đô Huế, nhân dân đón khắp hai bên đường, tiếng hoan hô vang mấy dặm. Vua Minh Mạng thân xuống thềm đón, tự rót ngự tửu ban thưởng ông và Nguyễn tiến Lâm. Hôm sau vua vời hai người vào làm lễ Bão tất (ôm chân vua), ban yến rồi phong con cả ông làm Cẩm y Hiệu úy để đền công khó nhọc.

Các bạn đồng liêu kẻo đến mừng, hỏi:

“Cứ như binh lực triều đình thi thừa sức phá Nùng văn Vân, cớ sao lại phải liên miên ngày tháng đợi đến ngày nay mới dẹp xong giặc”.

Ông nói:

“Năm trước tôi đã cùng với quan Tổng đốc Tam tuyên Lê văn Đức đi đánh giặc Vân nên biết rõ tình hình. Giặc cậy có rừng Vân trung hiểm yếu, hễ ta đánh gấp, nó lại cùng đồ đảng trốn vào rừng rồi theo lối tắt chạy sang Tầu. Quan quân không thể ở lại án ngữ được mãi ta rút đi, nó lại quay về cướp phá. Như thế hao tốn tiền kho, khổ dân, lại vất vả quân lính, biết đến bao giờ mới dẹp yên.

Nên tôi bàn với quan Tán tương dùng kế xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị, quả nhiên giặc không phòng bị, quân ta một trận thành công, từ nay không phải lo ngại nữa”. Các quan nghe đều phục là cao kiến, bèn tặng ông câu đối:

Tử sĩ tán dư trần tích kiếm,
Ca nhi khiển hậu tuyết sinh tỳ.
(Bọn tử sĩ tan rồi bụi bám vào gươm
Sau khi nghe hát ả đảo râu trắng như tuyết.)

 

Xem thêm

Những giai thoại phong lưu của Nguyễn Công Trứ – phần 1

Những giai thoại phong lưu của Nguyễn Công Trứ – phần 3

Follow on Facebook

Subscribe on Youtube