Chat Facebook Chat Zalo
0933150888

Những giai thoại phong lưu của Nguyễn Công Trứ – phần 3

Nguyễn Công Trứ – ông vua hát nói – Những giai thoại phong lưu – phần 3 – Ngất ngưởng

Nguyễn Công Trứ - ngất ngưởng

 

Hồi làm Tổng đốc Hải dương, ông cho chồng 3 trái núi đá ở phía sau dinh. Trên núi dựng chùa thờ Phật, chung quanh đào hào thả sen, nuôi 25 thiếu nữ để đèn hương và quét dọn trong chùa. Khi đi đánh Vân trung bắt được 3 đứa con trai và 7 đứa con gái Thổ, ông nuôi trong dinh ngày đêm làm trò và múa hát.

Ống thích cùng với bè bạn họp nhau đánh bài, tỏ nước cao thấp, kề truyện Kiều, uống rượu, làm thơ nôm và bài hát cho ả đào hát. Thơ ông thường có ý khinh đời, chán ngán công danh. Có người đem những truyện ấy tâu vua Minh Mạng, Vua cười nói:

“Y vẫn có thói quen hào phóng như thế, thôi cứ để cho mặc ý”.

Vua thường bảo với các quan:

“Hà tôn Quyền giỏi mưu kế, Hoàng tế Mỹ giỏi văn chương, Nguyễn công Trứ giỏi chiến trận, trong triều không nên để vắng ba người ấy”

Xem thêm:
Những giai thoại phong lưu của Nguyễn Công Trứ – phần 1

Những giai thoại phong lưu của Nguyễn Công Trứ – phần 2

Năm Minh Mạng thứ 19 (1838) ông là Chủ khảo trường thi Hương Hà nội. Lệ xưa trong trường thi có dựng nhà cho Chánh Phó chủ khảo và các Giám khảo ở, mỗi nhà cách nhau độ 15 thước. Trường vụ thường là một tháng mới xong. Các quan trường đã tiến trường (vào trường) thì không được ra vào nữa, ngoài cửa trường lính tỉnh canh gác nghiêm mật, có quan Đề đốc Lãnh binh luôn luôn đưa lính đi kiểm soát. Các thứ thực dụng hằng ngày của quan trường đều do quan tỉnh sở tại cung cấp, nhưng quan trường phải tự liệu lấy việc thổi nấu mà ăn uống, cho nên các quan trường phải đem người nhà đi theo phục dịch, người nhà đã vào trường thì cũng không được ra ngoài.

Ống nghĩ ở trong trường thi bó buộc hơn một tháng. Không được bước chân đi đâu thì chịu làm sao nổi, mới tính kế tiêu khiển, chọn hai ả đào trẻ tuổi, cho gọt tóc đi đề hai trái đào giả làm tiểu đồng, đưa vào trường thi hầu hạ văn phòng để lúc buồn ca hát cho nghe.

Khoa ấy Trương quốc Dụng làm giám khảo, ông Trương tính hay thức khuya xem sách, nhiều đêm nghe phảng phất như có tiếng hát, lấy làm lạ muốn hỏi, nhưng nghĩ không tiện lại thôi. Mãi đến năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) ông Trương làm Lại bộ Thị lang, ông Trứ nhân có việc về Kinh đô, ông Trương mới đưa truyện ấy ra hỏi, ông chỉ mỉm cười không đáp.

Năm Tự Đức nguyên niên (1848) ông 70 tuổi về hưu trí, đi qua chùa Đại nại tỉnh Hà tĩnh, thấy chỗ ấy dân thuần tục tốt, sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại bỏ tiền ra mở mang chùa cảnh rất tráng lệ. Chùa Đại nại ở bên đường cái, các quan trong kinh ngoài quận đi qua đều lên núi Đại nại chơi, rồi vào chùa vãn cảnh thăm hỏi ông. Ngoài cửa chùa ngày nào xe ngựa cũng tấp tập. Ông làm mấy gian nhà tranh ở cạnh chùa để xem sách và tiếp khách. Trong nhà nuôi một bọn ả đào, ngày ngày nghe hát. Nhiều khi ông lên chùa cũng đem ả đào theo lên, vì tính ông phóng khoáng, cho như thế là thường tình, bất chấp miệng đời bàn tán. Ông làm bài hát Ngất ngưởng kể thân thể mình cho ả đào hát:

Vũ trụ nội mạc phi phận sự,
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng.
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

Lúc Bình tây cầm cờ Đại tuớng,
Có khi về Phủ doãn Thừa thiên.
Đô môn giải tổ chi niên,
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.

Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dáng từ bi.
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.

Được mất dương dương người thái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
Khi ca, khi tửu, khi cắc, chi tùng,
Không Phật không tiên, không vướng tục.

Chẳng Hàn, Nhạc cũng phường Mai Phúc,
Nghĩa vua tôi cho trọn vẹn sơ chung.
Đời ai ngất ngưởng như ông.

 

Bố chinh Hà tĩnh là Hoàng nho Nhã, lúc rảnh việc thường đến chùa cùng ông bàn luận văn chương thế sự. Thấy ông phong lưu quá, Nho Nhã tặng câu đối:

Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu,
Phong lưu đáo lão thế gian vô.

 

Hơn 50 năm sau, ông Phan bội Châu lên chùa Đại nại chơi, thấy câu đối ấy treo ở nhà Tổ lấy làm lạ mới hỏi sự tình, Sư cụ thuật hết đầu đuôi câu truyện cho nghe. Ông Phan lấy làm khoải trá, cho là một giai thoại phong lưu đệ nhất. liền làm một bài thơ hoài niệm trong có hai câu:

Hà như Uy Viễn Tướng quân thú,
Túy ủng hồng nhi thượng pháp môn.
(Làm thế nào được thú như Uy Viễn Tướng quân,
Lúc say mang ả đào lên cửa Phật).

 

Xem thêm

Những giai thoại phong lưu của Nguyễn Công Trứ – phần 1

Những giai thoại phong lưu của Nguyễn Công Trứ – phần 2

Follow on Facebook

Subscribe on Youtube