Nhà hát Ca trù Bích Câu

THÀNH VIÊN SÁNG LẬP

divide

Nghệ nhân Vân Mai

NNƯT VÂN MAI

Ca nương Vân Mai tên thật là Nguyễn Thị Mai, sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, tuy nhiên bà được trời ưu ái cho một chất giọng trong trẻo và đầy nội lực. Có lẽ do bà được sinh ra và lớn lên trong một làng chèo quê lúa Thái Bình mà dòng chảy âm nhạc dân tộc cứ thế thấm vào máu thịt bà. Có thể hát rất hay các làn điệu chèo, chầu văn từ rất sớm nhưng mà có duyên với ca trù.

Chỉ tình cờ nghe cụ Quách Thị Hồ hát trên đài mà mê mẩn, từ đó bà tìm tòi các băng đĩa của cụ để nghe cho thấm, rồi tự rèn luyện, tự luyện tay phách và tìm đến các ca nương để nâng cao. Trải qua thời gian cần mẫn luyện tập, giọng hát của bà ngày càng mượt mà, tay phách ngày càng điệu luyện.

Năm 2012, bà vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Danh hiệu hoàn toàn xứng đáng với một say ca trù như bà. Đến nay, hàng tuần NNƯT Vân Mai vẫn miệt mài mở lớp dạy ca trù miễn phí tại đình Bích Câu số 14 Cát Linh, Hà Nội.

Đến nay, hàng tuần NNƯT Vân Mai vẫn miệt mài mở lớp dạy ca trù miễn phí tại đình Bích Câu số 14 Cát Linh, Hà Nội. Song song với đó, bà cùng với NNƯT Văn Trúc và các học trò ưu tú của mình (Trần Chinh, Trần Koóng, Thanh Hùng) thành lập Nhà hát Ca trù Bích Câu, là nơi tổ chức biểu diễn ca trù thường xuyên và miễn phí cho công chúng.

Văn Trúc

NNƯT TRẦN VĂN TRÚC

Kép đàn NNƯT Văn Trúc (Trần Văn Trúc) là chồng của NNƯT Vân Mai, ông vốn là một công nhân viên quốc phòng, vốn không có khiếu âm nhạc nhưng thấy vợ mình say mê ca trù, lại thường phải tập hát mà không có người đàn cho. Do vậy, ông quyết định đi học đàn để có thể đàn cho vợ hát.

Cơ duyên với Ca trù của ông chỉ đơn giản là tình yêu thương vợ, thế rồi ca trù ngấm vào ông lúc nào không hay, ông thường xuyên say sưa cùng vợ tập các thể cách ca trù từ dễ đến khó.

Ông đã Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2018 để ghi nhận những đóng góp của ông với sự nghiệp gìn giữ và phát triển ca trù.

NNƯT Văn Trúc đã đào tạo được nhiều học trò và điển hình là kép đàn Trần Koóng, quan viên Thanh Hùng. Ngoài ra NNƯT Văn Trúc cùng NNƯT Vân Mai và các học trò ưu tú của mình (Trần Chinh, Trần Koóng, Thanh Hùng) thành lập Nhà hát Ca trù Bích Câu, là nơi tổ chức biểu diễn ca trù thường xuyên và miễn phí cho công chúng.

Chinh Trần

CHINH TRẦN

Nghệ sĩ Chinh Trần là học trò lứa đầu được NNUT Vân Mai tổ chức truyền dạy tại giáo phường ca trù Bích Câu Đạo Quán. Vốn là nghệ sĩ, biên đạo múa, hiệu trưởng trường mầm non, ca nương Chinh Trần trở thành người chị Cả, vừa nêu gương, vừa hỗ trợ đắc lực cho vợ chồng NNUT Vân Mai – Trần Trúc trong thời gian kể từ khi thành lập và vận hành Nhà hát.

Người ta nhìn thấy ở chị sự bền bỉ kiên trì, nhiệt huyết với nghệ thuật Ca trù cổ. Cho tới hiện tại, ca nương Chinh Trần vẫn là một trong những thành viên xuất sắc nhất của Giáo phường cũng như Nhà hát Ca trù Bích Câu Đạo Quán.

Hi Phong

HI PHONG

Hi Phong, là thành viên sáng lập trẻ tuổi nhất, bén duyên với ca trù và giáo phường Ca trù Bích Câu qua giọng hát của NNUT Vân Mai. Trở thành thư kí cho Nhà hát, Hi Phong có trách nhiệm đảm bảo nội dung cho các chương trình, buổi biểu diễn, các lớp học và các dự án của Nhà hát ngay từ những năm 2015.

Hi Phong mong muốn hồi sinh và đào tạo nhận thức về nghệ thuật ca trù đến với các bạn trẻ, thông qua việc nghiên cứu sưu tầm, phục dựng và phỏng dựng phát triển các thể cách cổ. Trở thành cánh tay phải đắc lực hỗ trợ cho Nhà hát cũng như vợ chồng NNƯT Vân Mai- Trần Trúc, cùng các anh chị sáng lập viên khác, Hi Phong là đại diện cho thế hệ trẻ năng động, tư duy hiện đại trong làn gió cổ phong của sinh phách Ả Đào.

Trần Koóng

TRẦN KOÓNG

Kép đàn Trần Koóng tên thật là Phạm Đình Mạnh, là 1 học trò ưu tú của vợ chồng Nghệ nhân Vân Mai – Văn Trúc. Từ nhỏ anh đã yêu thích và tìm hiểu về nghệ thuật ca nhạc dân tộc như chầu văn, xẩm,…

Anh bén duyên với Ca trù rất tình cờ. Trong một lần tham gia hội chợ, vô tình nghe được tiếng ca trù văng vẳng, anh liền tìm đến mới biết vợ chồng Nghệ nhân Vân Mai đang biểu diễn ca trù phục vụ công chúng. Ngay hôm sau, anh tìm đến Nghệ nhân Vân Mai xin được nghe cô hát, say mê và xin làm học trò.

Trong suốt thời gian theo học, từ năm 2010, Trần Koóng luôn miệt mài học tập và được NNƯT Vân Mai cho tham gia biểu diễn cùng, lúc đầu là cầm chầu, rồi đến trực tiếp đàn cho Nghệ nhân Vân Mai hát trong nhiều sự kiện. Từ 2015, chính thức được tham gia truyền dạy đàn đáy ca trù cùng NNƯT Vân Mai tại đình Bích Câu vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần.

Năm 2017, cũng với NNƯT Vân Mai, NNƯT Văn Trúc thành lập Nhà hát Ca trù Bích Câu nhằm giới thiệu rộng rãi đến công chúng bộ môn nghệ thuật âm nhạc bác học của dân tộc, là nơi giao lưu của nhiều nghệ nhân cả nước, đồng thời cũng là nơi thực hành cho các học viên của Giáo phường Ca trù Bích Câu.

Câu hỏi về lớp học

Có phải Giáo phường Ca trù Bích Câu tổ chức lớp học miễn phí?

Ca trù đang đứng trước nguy cơ mai một và có thể bị mất đi, với mong muốn lưu giữ, truyền bá và phát triển bộ môn âm nhạc độc đáo này của dân tộc. Giáo phường Ca trù Bích Câu mở lớp học miễn phí cho mọi người tại đình Bích Câu số 14 Cát Linh, Hà Nội.

Lớp học hát Ca trù học thời gian nào và do ai truyền dạy?
  • Lớp học hát ca trù do NNƯT Vân Mai truyền dạy, có sự trợ giảng của một số học viên ưu tú (Trần Chinh, Thanh Hùng, Trần Koóng).
  • Lớp học diễn ra từ 9h-11h sáng chủ nhật hàng tuần tại đình Bích Câu, số 14 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội.
Tôi không biết gì về nhạc lý và thanh nhạc thì có thể học hát được không?

Xưa các cụ đa phần cũng không biết nhạc lý hay thanh nhạc mà vẫn học và hát rất tốt.

NNƯT Vân Mai truyền dạy theo phương pháp truyền khẩu mà các cụ ta xưa vẫn làm nên người học không cần phải biết nhạc lý hay thanh nhạc. Chỉ cần có lòng mến mộ ca trù là có thể học được.

Nam giới có thể đến học được không?
  • Trong hát ca trù, thường nam giới hiếm khi hát diễn mà chủ yếu hát thờ.
  • Nam giới có thể học cầm chầu (trống chầu) hoặc học đàn đáy (kép đàn).
Học đàn đáy do ai truyền dạy và thời gian học như thế nào?

Lớp đàn đáy và trống chầu do NNƯT Văn Trúc truyền dạy và các học trò ưu tú của thầy (Trần Koóng, Thanh Hùng) trợ giảng.

Câu hỏi về biểu diễn

Có phải Nhà hát thường có các buổi biểu diễn miễn phí?
  • Nhà hát Ca trù Bích Câu thường tổ chức biểu diễn Ca trù miễn phí tại Bích Câu Đạo quán, số 14 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội.
  • Trong một đêm diễn luôn có 2 phần. Phần 1 là biểu diễn ca trù và phần 2 là biểu diễn các loại hình ca nhạc dân gian khác (chèo, chầu văn, xẩm, quan họ,…) và giao lưu cùng khán giả.
Hàng năng Nhà hát luôn tổ chức lễ giố tổ Ca trù có phải không?
  • Hàng năm cứ đến ngày 11 tháng Chạp là Nhà hát Ca trù Bích Câu lại tổ chức lễ giỗ tổ Cô đầu. Đây là buổi lễ trang trọng và đầy đủ nhất của Nhà hát.
  • Lễ tế tổ Cô đầu được tổ chức từ buổi chiều với các thể cách hát thờ, non mai hồng hạnh, thét nhạc,…. Buổi tối sẽ biểu diễn các loại hình ca nhạc dân gian khác.
  • Tất cả cọi người mến mộ Ca trù cũng như mến mộ Nhà hát đều được chào đón hoàn toàn miễn phí.
Hàng năm Nhà hát có buổi diễn lớn nào?

Hàng năm, ngoài các đêm diễn định kỳ sẽ có nhưng đêm diễn đặc biệt vào các dịp sau:

  • Lễ khai xuân – tháng Giêng;
  • Kỷ niệm sinh nhật Nhà hát – tháng 4;
  • Lê Vu lan – tháng 7 âm lịch;
  • Lê Trung thu – tháng 8 âm lịch;
  • Lê tế Tổ – tháng Chạp;
Nhà hát có nhận lịch diễn phục vụ đoàn không?

Ngoài các đêm diễn miễn phí tại Nhà hát Ca trù Bích Câu, chúng tôi có nhận biểu diễn có phí cho các đoàn khách đặt. Vui lòng liên hệ khi có nhu cầu.

Nhà hát có nhận lịch diễn bên ngoài không?

Nhà hát Ca trù Bích Câu nhận tổ chức canh hát thờ cửa đình, hát hội, chúc thọ,… Vui lòng liên hệ khi có nhu cầu.

LIÊN HỆ NHÀ HÁT CA TRÙ BÍCH CÂU

Liên hệ ngay