Chat Facebook Chat Zalo
0933150888

Sự tích Tổ Cô đầu

Sự tích Tổ Cô đầu theo Việt Nam ca trù biên khảo

Sự tích Tổ Cô đầu

Đời nhà Lê, Đinh Lễ, tự là Nguyên Sinh quê ở làng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, con nhà gia thế, tính tình phóng khoáng, không thích công danh bó buộc, thường ôm cây đàn nguyệt đến bên suối gẩy rồi ca hát để hòa với tiếng suối chảy, chim kêu.

Một hôm Sinh đưa đàn và bầu rượu vào rừng thông gẩy đàn uống rượu, mải vui phong cảnh, lúc bóng xế chiều mới đứng dậy ra về. Tới cửa rừng gặp 2 ông cụ già, một ông tay cầm khúc gỗ, một ông tay cầm tờ giấy có vẽ hình cái đàn. Sinh lấy làm lạ. Còn đang nghĩ ngợi hai ông đã đến bên.

Một ông ngăn Sinh lại nói: “Ta là Lý Thiết Quài, đây là Lã Đại Tiên. Chúng ta biết con có túc căn, nên đưa vật này tặng để con truyền cho hậu thế”. Nói xong đưa cho Sinh khúc gỗ ngô đồng và tờ giấy vẽ kiểu mẫu đàn, dặn rằng: “Con về tìm thợ khéo, theo kiểu mẫu trong này đánh thành cái đàn. Tếng đàn gẩy lê sẽ trừ được ma quỷ, người ốm nghe khỏi bệnh, người buồn phiền nghe hóa ra vui vẻ”.

Sinh sục xuống lạy tạ, lúc ngẩng lên hai ông già đã hóa mây trắng bay về lối tây. Sinh đưa khúc gỗ ngô đồng về nhà, tìm thợ cứ theo như mẫu mực ghi trong giấy đóng thành cái đàn. Hôm hoàn thành Sinh đưa đàn ra bờ suối gẩy, vô tình nhìn lên thấy chim chen nhau đậu khắp các cành cây nghe. Lạ hơn nữa lúc nhìn xống suối, cá lớn cá nhở đều châu đầu vào bên mình như có ý lắng nghe đàn.

Những người xung quanh kéo đến nghe gẩy đàn, ai cũng thấy tâm hồn khoan khoái, quên hết lo buồn. Từ đấy Sinh vác đàn đi khắp các nơi, tới đâu cũng đợc hoan nghênh. Một hôm Sinh đến châu Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Quan châu là Bạch Đình Sa, có một cô con gái nhan sắc như hoa như ngọc, tên là Hoa. Năm lên 10 tuổi, Hoa theo phu nhân đi chơi, chẳng may chúng phong bị câm, ông bà lễ bái cầu đảo khắp nơi, lại tìm các danh y chữa chạy đều không khỏi. Ông buồn rầu bỏ cả công việc, tối ngày uống rượu, tha thẩn ngoài đường. Đến năm 19 tuổi, nhan sắc nàng Hoa càng lộng lẫy, chỉ hiềm một nỗi không nói được.

Khi ấy Nguyên Sinh tới Thường Xuân, ngồi bên suối gẩy đàn, dân chúng lại xúm vào nghe, nhận thấy đàn linh nghiệm, rủ nhau đến trình báo quac châu. Bạch công vội vàng cho người nhà ra mời Sinh. Thi lễ xong Sinh đưa đàn gẩy 1 khúc. Nàng đương ngồi ăn cơm ở nhà trong, nghe tếng đàn liền bỏ bát cơm xuống, lấy hai chiêc đũa gõ lên trên án thư theo đúng nhịp đàn. Khi dứt khúc, nàng buông đũa xuống mâm rồi thốt nói lên lời: “Chà tiếng đàn hay quá”.

Thị tì thấy thế chạy ra trình ông. Ông mừng rỡ, nài Sinh gảy thêm khúc nữa rồi lén vào xem. Quả nhiên ở ngoài đàn nổi lên thì ở trong nàng cầm hai chiếc đũa gõ theo xuống án thư đúng như lời thị tì nói. Ông bà mười phần vui vẻ mời Sinh vào nhà trong cùng nàng tương kiến. Nàng thấy Sinh vào, tươi cười đứng lên chào hỏi như đã quen thuộc.

Từ hôm ấy, nàng nói năng như thường. Hàng ngày Sinh gẩy đàn, nàng cầm đũa gõ theo làm nhịp.

Ông bà bàn nhau gả nàng cho Sinh. Lễ thành hôn vào đầu xuân, trăm hoa đua nở. Đêm động phòng, nàng ngồi trên chiếu cạp điều. Dưới ánh nến lung linh, giai nhân ngồi bên hoa đẹp, Sinh bước vào phòng tưởng như Lưu Nguyễn lạc tới thiên thai, bèn hứng khởi làm một bài hát rồi vừa đàn vừa hát.

Động phòng hoa chúc dạ,
Kháng lệ khánh kỳ duyên.
Xuân phong thiều đệ hiệp cầm huyền,
Thị Lưu Nguyễn Thiên Thai tiền nhật sự.
Nguyệt hạ Ngưu lang huề Chức nữ,
Sương trung Bùi Tử hội Vân Anh.

Thế kỳ xương mạc dữ chi kinh,
Tục loan phượng hòa minh chi diệm khúc.
Chỉ thử di duyên cầm nhất trục,
Khước giao trần tục phối Tiên nga,
Bách niên Đinh Bạch nhất gia.

Dịch (vô danh)

Chốn động phòng đuốc hoa đêm tỏ,
Mừng lứa đôi gặp gỡ lạ lùng.
Trước gió xuân dìu dặt tiếng tơ đồng,
Ấy Lưu Nguyễn xưa cùng duyên bạn lứa.
Dưới nguyệt Ngưu lang hòa Chức nữ,
Trong sương Bùi Tử gặp Vân Anh.

Đời đời sau hưng thịnh nức danh,
Khúc “Loan phượng hòa minh” truyền nối mãi.
Vì một khúc đàn thành đạo ngãi,
Xui nên khách tục sánh người tiên,
Trăm năm Đinh Bạch bén duyên.

Nàng đứng lên lấy hai chiếc đũa gõ theo nhịp hát.

Vợ chồng tương đắc như đôi chim uyên ương không lúc nào rời nửa bước. Sinh đặt ra lối hát mới dạy nàng múa hát, rồi lấy hai thanh tre vót thực đẹp để cho nàng gõ lên trên mảnh gỗ theo với nhịp đàn mà hát. Vỗn sẵn khiếu thông minh, lại có giọng rất hay, nàng chỉ học trong 3 tháng đã đạt đến chỗ tuyệt kỹ.

Sau này Sinh đưa vợ về quê cũ sinh sống, đồng thời dạy cho bọn con trai con gái trong làng đàn hát.

Một buổi sang thu, mây đen ảm đạm,  ngoài lá vàng rơi như trút, Sinh thấy lòng buồn nao nao. Nghĩ lấy làm lạ, Sinh bèn lấy đàn cũng tiểu đồng vào rừng thông gảy đàn uống rượu cho khuây khỏa. Chiều tối thầy trò ra về, vừa tới cửa rừng, lại gặp hai ông cụ ngày xưa đi đến. Biết là hai vị Tiên trưởng, Sinh vội vàng quỳ xuống tạ ơn.

Một ông vỗ vai bảo Sinh: “Con thực có tiên phong đạo cốt, xứng là đệ tử ta, con đã đưa sở học ra cứu người và truyền thụ cho đời mà không hề lợi dụng để mưu cầu phú quý. Vì có công ấy nên tên tuổi được ghi vào Tiên phả. Nay trần căn đã mãn, con nên theo thày vào núi học đạo trường sinh để cùng với núi sông bất diệt.

Sinh ngần ngại, tỏ ý muốn xin về từ biệt vợ. Tiên ông hiểu ý nói:

“Ở đời duyên là nợ, tình là tội, nếu còn vương víu không phải là người của tiên gia. Ngày kia sông cạn núi mòn, con hối tiếc e không kịp nữa”.

Sinh chợt tỉnh, lạy tạ tình nguyện theo học đạo và dặn tiểu đồng về nói lại với vợ.

Tiểu đồng chạy về nhà thuật lại truyện, nàng không tỏ vẻ buồn phiền, ra sân vái lên trên tạ ơn Tiên ông đã độ cho Sinh. Hôm sau nàng mời hương chức đến, phân tán hết gia tài cho người nghèo rồi đóng cửa dạy lũ con em múa hát. Được ít lâu nàng vô bệnh mà mất. Dân làng Cổ Đạm và đệ tử nhớ ơn lập đền thờ vợ chồng nàng, gọi là đền Tổ Cô đầu, hay đền Bà Bạch Hoa Công chúa. Lịch triều phong tặng Đinh Lễ là Thanh Sà Đại vương, Bạch Hoa là Mãn đào Hoa Công chúa.

Ở mền Bắc ngày nay có nhiều đền thờ Tổ Cô đầu. Hàng năm đến ngày 11 tháng chạp thường tổ chức lễ giỗ Tổ Cô đầu.

[Theo Việt Nam ca trù biên khảo]

 

Xem thêm

Thể cách Tỳ bà hành
Hát nói – Thể cách chính của Ca trù
Follow on Facebook